Việc kế vị trong Hoàng thất Hoàng_thất_Nhật_Bản

Trong lịch sử Nhật Bản, ngai vàng thường chỉ được truyền cho dòng nam của Hoàng thất. Trước thời Minh Trị Duy Tân, lịch sử Nhật có tám nữ Thiên Hoàng, tất cả đều là con gái của dòng nam của Hoàng thất, không một ai kế vị với tư cách là vợ của vua đã mất cũng như không có bất cứ vị nữ Thiên Hoàng nào kế hôn hoặc sinh con sau khi kế vị.

Điều 2 trong hiến pháp hiện hành của Nhật định rằng "Ngai vàng là của Hoàng triều và được nhượng theo Hoàng thất Điển Phạm thông qua bởi Đế quốc Nghị Hội (帝國議会; Teikoku Gikai.) ". Hoàng thất Điển Phạm năm 1947 thông qua bởi Đế quốc Nghị Hội cuối cùng (sau đó được thay bằng Quốc hội như hiện nay) không chấp nhận phụ nữ kế vị (theo luật kế vị năm 1889). Chính phủ đương thời của Cố Thủ tướng Yoshida Shigeru (吉田茂) đã thông qua các đạo luật một cách vội vã để tuân theo bản hiến pháp do Hoa Kỳ định ra cho nước Nhật bại trận. Trong bộ luật 1947 này, Hoàng thất bị thu nhỏ lại đáng kể. Có 51 thành viên trong Hoàng thất bị phế bỏ tước vị trở thành thường dân. Chỉ có các nam thành viên hợp pháp của Hoàng thất có quyền kế vị. Thiên hoàng và tất cả các thành viên khác trong Hoàng thất không được quyền nhận con nuôi. Các Nội Thân vương (naishinnō) và Công chúa (nyoō) nếu kết hôn với người ngoài Hoàng thất thì sẽ bị phế bỏ tước vị của mình và không được xem là thành viên của Hoàng thất. Các Thân vương (trừ Thái tử), Công chúa chưa kết hôn, vợ hoặc chồng của Thân vương hoặc Công chúa đã mất được phép rút ra khỏi Hoàng thất trở thành thường dân với sự chấp thuận của Hoàng thất Hội nghị (皇室会議 Kōshitsu Kaigi).

Cho đến tháng 9 năm 2006, Hoàng thất thiếu người kế vị sau Thái tử Naruhito. Sau khi Công chúa Aiko ra đời thì có nhiều cuộc tranh cãi về việc có nên hay không sửa đổi Hoàng thất Điển Phạm để Công chúa trở thành Hoàng thái tôn. Tháng giêng năm 2005, Thủ tướng đương nhiệm là ông Junichiro Koizumi tổ chức một ban cố vấn đặc biệt chuyên trách xem xét lại Hoàng thất Điển Phạm và nêu lên những điều cần thay đổi. Ban cố vấn này bao gồm nhiều nhà thẩm phán, giáo sư và công chức và công việc của họ kéo dài đến tháng 10 năm 2005 thì chấm dứt. Ban cố vấn đề nghị thay đổi điển lệ để cho con gái của dòng nam trong Hoàng thất được phép kế vị. Công chúng rất ủng hộ thay đổi này và Công chúa Aiko trở thành Nội Thân vương.  Vào tháng 1 năm 2007, Thủ tướng Nhật Bản khi đó là Shinzō Abe đã tuyên bố rằng ông sẽ ngưng một đề xuất sửa đổi Điển Phạm Hoàng thất nhằm cho phép nữ giới kế vị. Đề xuất được đưa ra do trên thực tế thì cả hai Hoàng nam của Thiên Hoàng Akihito đều không có con trai. Với việc Thân vương Hisahito chào đời, dường như Điển Phạm sẽ không bị sửa đổi để cho phép chị họ của Thân vương Hisahito là Nội Thân vương Aiko, con gái duy nhất của Thái tử Naruhito, có thể trở thành nữ Thiên Hoàng và do đó đã chấm dứt cuộc tranh cãi kế vị tại Nhật Bản. Mặc dù trong lịch sử Nhật Bản đã từng có đến tám nữ Thiên Hoàng trị vì, song họ chỉ nắm giữ vị trí này tạm thời hoặc để "trông nom". Những người kế vị các nữ Thiên Hoàng hầu hết được chọn từ các nam giới thuộc các nhánh xa của Hoàng tộc và họ sẽ kế vị các nữ Thiên Hoàng khi đủ lớn, đó là lý do vì sao các học giả bảo thủ lập luận việc nữ giới trị vì chỉ là tạm thời và rằng truyền thống nam giới kế vị cần phải được duy trì.